Lương 10 năm tăng 50%, giá nhà đất có thể tăng 100% |
1. Thu nhập của người lao động
Thu nhập của người lao động tăng đến từ 2 nguồn: tăng lương theo trượt giá + tăng lương theo năng lực bản thân.
Cho dễ hình dung, mình chỉ xét đến người làm thuê và không có thêm thu nhập tay trái khác
Tăng lương theo Trượt Giá
Hàng năm, các công ty sẽ thường tăng lương theo trượt giá trung bình 3% - 5%. Do đó trong 10 năm lương sẽ tăng nhờ trượt giá khoảng 50%. VD năm 2010 lương 5tr, nếu ko tăng nhờ năng lực mà chỉ tăng nhờ trượt giá thì lương 2020 khoảng 7,5tr.
Tuy nhiên, mức tăng lương theo trượt giá sẽ không bắt kịp mức tăng do lạm phát. VD tô phở năm 2010 bạn ăn 20.000đ thì hiện tại cũng tô phở đó ở quán đó sẽ là 40.000đ, dĩa cơm năm 2010 là 20.000đ thì giờ cũng 35.000đ - 40.000đ, ly café vỉa hè trước của tòa nhà năm 2010 8.000đ thì giờ cũng 15.000đ. Tính ra, mức tăng chi tiêu do trượt giá trong 10 năm lên đến 75% - 100%, khoảng 6% - 7%/năm.
Như vậy tăng lương do trượt giá thường thấp hơn mức trượt giá tiêu dùng tự nhiên thực tế.
Tăng lương theo Năng Lực Bản Thân
Ở mỗi công ty, tùy năng lực và kinh nghiệm, bạn có thể đạt được tăng lương theo năng lực.
VD: Nhân viên mới ra trường lương 7tr, Nhân viên có kinh nghiệm 2-3 năm lương 10tr - 12tr, Nhân viên nhiều kinh nghiệm 13tr - 18tr, Trưởng Nhóm/Giám sát lương 20tr - 30tr, Quản lý tầm trung 30tr - 45tr, Quản lý Cấp Cao và Giám Đốc Khối lương 50tr - 100tr.
Tuy nhiên, năng lực mỗi người có giới hạn khác nhau. Có người đi làm 5 - 10 năm thu nhập 25tr - 40tr, nhưng cũng có người làm trên 10-15 năm lương cũng chỉ 10tr - 15tr. Do đó việc tăng lương theo năng lực bản thân không thể tăng liên tục hàng năm và có cơ hội tăng đột biến như việc tăng giá BĐS (phân tích ở phần (2) bên dưới).
Bên cạnh đó, việc tăng lương theo năng lực còn bị giới hạn bởi số lượng vị trí cần thiết. VD 1 công ty chỉ có 1 ông lương 50tr - 2 ông lương 35tr - 4 ông lương 20tr, trong khi sẽ có khoảng 20-30 người lương từ 7-15tr. Nghĩa là dù bạn có đủ năng lực để tăng thu nhập nhưng nếu chưa có vị trí phù hợp thì bạn cũng không thể được thăng chức, tăng lương. Hoặc bạn phải thay đổi công ty khác có vị trí phù hợp để được tăng thu nhập, nhưng rõ ràng việc này cũng không thể diễn ra hàng năm.
Như vậy, tăng lương theo năng lực bản thân không diễn ra thường xuyên hàng năm và mỗi người đều có giới hạn, không thể tăng liên tục.
2. Nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá của bất động sản
Việc bất động sản tăng giá chủ yếu đến từ 4 nguồn: trượt giá tiêu dùng tự nhiên; tăng giá trị thực; có nhu cầu cao và bị làm giá.
BĐS Tăng Giá Do Trượt Giá Tiêu Dùng Tự Nhiên:
Giống các sản phẩm khác như tô phở, dĩa cơm, ly cafe, bản thân bất động sản cũng tự tăng giá do trượt giá 5% - 6%/năm. Tuy yếu tố này không thể tạo ra mức tăng đột biến như chúng ta đang thấy hiện tại (nguyên nhân tăng đột biến do 3 lý do dưới), nhưng cũng đã cao hơn mức tăng 3% - 5% trượt giá của thu nhập từ lương (2.1)
BĐS tăng giá do Tăng Giá Trị Thực (Giống Tăng lương theo Năng lực bản thân của NLĐ)
BĐS có rất nhiều cơ hội để được thúc đẩy tăng giá trị thực:
- Chuyển đổi mục đích sử dụng đất: VD đất nông nghiệp lên thổ cư,...
- Thay đổi bộ mặt bên trong: VD tham gia mua căn hộ từ khi mới làm móng, giá trị BĐS sẽ tự tăng theo tiến độ xây dựng (Đổ sàn 10, đổ sàn 20, cất nóc, hoàn thiện, giao nhà,…); hay các dự án đất nền sẽ tự tăng giá trị theo “Mức độ sáng đèn”, nghĩa là càng nhiều người đến ở, càng nhiều nhà được xây thì càng thúc đẩy đất tăng giá trị;…
- Thay đổi bộ mặt hạ tầng xung quanh: VD phóng đất mở đường, xây cầu kết nối, hoàn thiện hạ tầng (trải nhựa đường, hệ thống điện, nước, viễn thông,…), các dự án lớn được triển khai gần bên,…
- Hoàn thiện pháp lý: VD tham gia mua nhà/ căn hộ/ đất nền lúc chưa có sổ, đến khi ra sổ thì BĐS sẽ tự tăng giá trị (ngược lại dự án chưa ra được sổ thì tự giảm giá trị)
- Vị trí BĐS được “thăng cấp” từ huyện lên quận, từ quận lên TP, từ tỉnh lên TP trực thuộc trung ương,...
- Cơ hội kiếm thêm dòng tiền từ BĐS để phụ trả nợ vay ngân hàng: VD tạo ra BĐS vừa có thể vừa có thể Cho Thuê.
Các yếu tố trên có thể làm BĐS tăng đột phá gấp 2-3 lần giá trị. Điều mà tănglương theo năng lực bản Thân không thể có được.
......
BĐS tăng giá do có Nhu Cầu Cao
Trừ những thời điểm bị đóng băng trầm lắng, nhu cầu mua BĐS luôn rất cao. Việc mua BĐS đến từ 4 nhóm chính: người đầu tư trung - dài hạn, người lướt sóng ngắn hạn, sales/môi giới tham lam, người có nhu cầu sử dụng cuối.
Người đầu tư trung - dài hạn: Họ phần lớn nhà người có tiền nhàn rỗi, đã có thu nhập cao - đều ở công việc chính (chủ doanh nghiệp, làm thuê lương cao) nên dành 1 phần thu nhập mua BĐS để đó, coi như quên luôn trong 5-10 năm. Mục đích là tích giữ tài sản an toàn lâu dài, tránh trượt giá đồng tiền và kỳ vọng tài sản tự tăng giá trị theo thời gian.
Người lướt sóng ngắn hạn: Đây là nhóm muốn kiếm tiền nhanh - nhiều từ BĐS. Họ mua đi bán lại liên tục trong thời gian vài tuần/ vài tháng ở 1 khu vực/ dự án (VD tay phải đặt cọc 100tr là tay trái bấm điện thoại rao sang cọc 110tr, trong khi mắt vẫn đảo kiếm mấy lô 100tr người khác chưa kịp đẩy lên 110tr để mua lại đẩy tiếp). Khi đã lướt qua lại nhiều vòng, cảm giác giá đã được đẩy đủ cao họ sẽ cùng sales/môi giới rút đi làm chỗ khác. Chính nhóm này kết hợp với sales/môi giới đã đẩy giá BĐS lên cực nhanh (VD tham khảo tốc độ tăng giá dự án Hòa Xuân ở Đà Nẵng hay giá BĐS ở Phan Thiết sẽ rõ nhất điều này).
Sales/môi giới tham lam: Tuy không trực tiếp đầu tư và không có nhu cầu sử dụng, nhưng họ cũng có nhu cầu cao trong việc BĐS được giao dịch nhiều - liên tục để tăng thu nhập nhanh - nhièu từ BĐS. Do đó nhóm này sẽ không thích người mua để đó sử dụng, họ thích chung tay tình thương mến thương với nhóm Lướt Sóng Ngắn Hạn để thúc đẩy việc mua đi bán lại liên tục, tạo ra nhu cầu cao làm tăng giá BĐS.
Người có nhu cầu sử dụng cuối. Với chân lý “Người nở - Đất không nở”, nhu cầu sử dụng thực sự đối với BĐS luôn cao (Mua ở, thuê ở, thuê sản xuất, thuê làm kho,...). Đáng tiếc phần lớn nhóm này lại không có kiến thức BĐS, nên khi tiếp cận mua thì giá BĐS đã bị Người lướt sóng ngắn hạn và Sales/MG đẩy lên cao hơn nhiều so với giá trị rao bán ban đầu. Chỉ khi thị trường đóng băng trầm lắng, nhóm lướt sóng ngắn hạn và sales/môi giới muốn kiếm tiền nhanh - nhiều đã banh xác đi chạy Grab bán nước mía hết, cơ hội để họ tìm mua BĐS sử dụng mới dễ thở hơn.
Rõ ràng, xét về yếu tố nhu cầu thì thu nhập của lao động không thể tăng nhanh - nhiều bằng giá của BĐS. Sức lao động của 1 người chỉ đáp ứng nhu cầu cho người sử dụng cuối (Chủ Doanh nghiệp), không thể tích lũy - lướt sóng - thúc đây mua đi bán lại liên tục sức lao động được.
BĐS tăng giá do Bị Làm Giá:
Vấn đề này nói ra rất dài, chắc các bạn ai cũng biết và hiểu rồi. BĐS sẽ bị làm giá từ chủ đầu tư đến aales/môi giới, người Lướt Sóng, báo lá cải, fake news,... Chi tiết các cách thức làm giá mình xin nhường lại cho các cao thủ trong chia sẻ thêm, mình ko dám nói về tình dục học trước mặt Tokuda và Ozawa.
Với yếu tố này thì mức tăng thu nhập của lao động cũng hoàn toàn thua mức tăng của BĐS. Vì sức lao động không được ai làm giá, trong khi BĐS thì được rất nhiều người hò dô ta phụ làm giá.
Kết lại, khi so sánh các yếu tố làm tăng thu nhập của người lao động với các yếu tố làm tăng giá của BĐS ta thấy mức tăng thu nhập của người lao động mãi mãi không theo kịp mức tăng của BĐS. Thời gian càng dài, khoảng cách này chỉ càng thăng thêm chứ ko thể thu hẹp lại. Đây chính là lý do khi để dành đủ tiền mới mua nhà thì căn nhà đã tăng giá rất xa số tiền có được.
Nguồn: VN Express
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét