1. THÀNH LẬP THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC
Vào chiều ngày 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập Thành phố Thủ Đức với sự sát nhập của 3 quận (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) với diện tích tự nhiên hơn 211 km2 và quy mô dân số hơn 1,000,000 người. Thành phố Thủ Đức sẽ tiếp giáp với các quận 1,4,7, 12, Bình Thạnh của TP. HCM và tiếp giáp 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
Với sức nóng của sự việc này, rất khó có thể tìm ra căn hộ có mức giá dưới 35 triệu đồng/m2 tại khu Đông Sài Gòn. Đơn cử là giá căn hộ tại một số dự án ở khu vực quận 9 đã chạm mốc 40 triệu đồng/m2
2. GIÁ CĂN HỘ CHUNG CƯ TĂNG LIÊN TỤC
Đáng chú ý là thị trường căn hộ Bình Dương với nguồn cung chào bán vượt 8.289 căn, tỷ lệ hấp thụ ở mức ấn tượng hơn 90%. Số liệu của Sở Xây dựng Bình Dương 3 quý đầu năm 2020, tổng số giao dịch thành công tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước, mức giá tăng chóng mặt có khi lên đến 45 triệu đồng/m2
Còn ở mặt bằng giá căn hộ chung cư khu vực TP. HCM, giá trung bình đã tăng 5% so với cùng kì năm trước, cá biệt có một số dự án ở khu Đông tăng đến 39% trong vòng 2 năm.
3. CƠN SỐT ĐẤT "TRONG CHỚP MẮT"
Năm 2020, xuất hiện những cơn sốt đất cực kì ấn tượng nhưng sau đó "im bặc" chỉ sau 1-2 tuần. Đầu tiên là cơn sốt đất ở Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó là xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nguyên nhân là do nguồn thông tin mập mờ về việc đề xuất xây dựng siêu đô thị quy mô lên đến hàng trăm ha. Tuy nhiên, 1 tuần sau đó chính quyền ra thông tin cảnh báo, ngay lập tức, cơn sốt được dập tắt tức thì.
4. LÀN SÓNG BĐS CÔNG NGHIỆP MẠNH NHẤT 25 NĂM QUA
Tại diễn đàn BĐS công nghiệp - Đón sóng đầu tư mới, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 3 làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp trải dài 25 năm qua và mỗi đợt sóng tiếp theo càng mạnh mẽ hơn. Làn sóng đầu tiên diễn ra năm 1996. Đến năm 2008, Việt Nam một lần nữa đón làn sóng thứ hai đầu tư vào các khu công nghiệp khá mạnh mẽ. Thế nhưng, năm 2020 lại là giai đoạn đặc biệt nhất khi đây là làn sóng mới, đồ thị tăng trưởng liên tục đi lên.
Làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ của BĐS Công nghiệp đã khiến giá thuê liên tục lập đỉnh. Theo ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam, mặt bằng giá chung tại các thủ phủ công nghiệp phía Nam và phía Bắc đều tăng từ 50-100% so với cùng kỳ năm trước. Do khan hiếm nguồn cung nên nhiều chủ đầu tư đưa ra giá thuê mới tăng mạnh so với mức giá cũ. Sự khan hiếm trở nên rõ rệt hơn khi các khu công nghiệp hiện hữu đang dần lấp đầy, trong khi quỹ đất mới bị trì hoãn do vướng thủ tục pháp lý.
5. XUẤT HIỆN NHỮNG THƯƠNG VỤ M&A "BOM TẤN"
Giữa năm 2020, một nhóm nhà đầu tư do quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts (KKR, Hoa Kỳ) đứng đầu đã hoàn tất giao dịch mua lại hơn 200 triệu cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes với giá trị 15.100 tỷ đồng. Sau giao dịch, nhóm nhà đầu tư ngoại này đã trở thành cổ đông lớn (nắm 6% vốn) của Vinhomes. Tiếp đó, chỉ trong 9 tháng đầu năm Tập đoàn Danh Khôi đã thâu tóm 6 dự án lớn trải dài khắp cả nước.
Ở lĩnh vực BĐS công nghiệp, M&A cũng xảy ra ấn tượng khi Tập đoàn Logos Property của Úc đã đầu tư 350 triệu đô la Mỹ cho thương vụ liên doanh BĐS logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam, "gã khổng lồ" kho bãi Châu Á là GLP lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam, Tập đoàn SLP ra mắt liên doanh 1,5 tỷ đô la Mỹ tại Việt Nam. Ngoài ra, công ty Mirae Asset Daewoo Co và Naver Corporation của Hàn Quốc đã đầu tư 37 triệu đô la Mỹ vào một nhà kho ở trung tâm Logistics LogisValley ở tỉnh Bắc Ninh.
6. LOẠT DỰ ÁN HẠ TẦNG TÁC ĐỘNG MẠNH ĐẾN BĐS
Vào hồi tháng 4, TP HCM khởi công xây dựng 13 dự án hạ tầng giao thông lớn với tổng vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng tạo động lực cho BĐS khu vực phía Đông và phía Tây TP HCM phát triển. Tiếp đó, tháng 8, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư là cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn dài 115km mở ra sự quan tâm của nhà đầu tư, doanh nghiệp BĐS đối với 2 tỉnh miền núi này.
Tháng 10, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được phê duyệt nghiên cứu đầu tư đã ngay lập tức tác động lên thị trường BĐS Bảo Lộc khiến mức độ quan tâm đất nền tại đây tăng đột biến lên đến 55%. Tương tự như Bảo Lộc, BĐS tại Thủy Nguyên Hải Phòng cũng tăng đột biến trong tháng 11 khi Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên. Ngoài ra, việc khởi công đường 6 làn xe Bình Dương - Tây Ninh khiến thị trường đất nền tại Bình Dương và Tây Ninh tăng giá.
7. SỰ "THẤT THU" CỦA BĐS NGHỈ DƯỠNG
Dưới tác động của đại dịch Covid-19 khiến phân khúc Condotel gần như đóng băng, 2/3 sản phẩm chào bán không phát sinh giao dịch. Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, có 2 lý do khiến BĐS du lịch, nghỉ dưỡng lao dốc theo chiều thẳng đứng. Đầu tiên là niềm tin của nhà đầu tư vẫn bị rung lắc dữ dội sau cú vỡ trận của Cocobay. Tiếp đến là đại dịch Covid-19, khiến lượng du khách quốc tế tới Việt Nam giảm mạnh, đồng thời khiến lực cầu thuê phòng, khách sạn giảm tương ứng. Ngay trong thời điểm hiện tại, dù Việt Nam kiểm soát đại dịch rất tốt, nhưng cả thế giới vẫn đang đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh thứ 2 nên thị trường BĐS nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục trầm lắng.
8. CÁC DỰ ÁN MA NỞ RỘ
Năm 2020 là năm chứng kiến hàng loạt vụ lừa đảo BĐS ngày càng tinh vi. Các đối tượng này lập ra công ty môi giới BĐS. Sau đó, hợp tác với một vài chủ đầu tư hoặc người có đất bằng nhiều hình thức khác nhau như mua đất nông nghiệp, ký giấy đặt cọc mua đấ, hợp đồng hợp tác... rồi vẽ ra các "dự án ma" nhằm chiêu dụ khách hàng giao dịch trên giấy và thu tiền. Ngoài ra, một số đối tượng "cò đất" còn vẽ vời thêm hàng loạt các tiện ích, quảng cáo sai sự thật để dụ khách hàng mua đất nền giá rẻ ở nhiều khu vực như Bình Dương, TP HCM, Hòa Lạc (Hà Nội)...
Một vài cái tên của chiêu trò này đã bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam như Trương Tuấn Em - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Eagle Land, Hoàng Mạnh Cường - Tổng giám đốc Công ty Phát An Gia, Huỳnh Thị Hạnh Phúc - Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng địa ốc Thiên Ân Phá, Nguyễn Thị Diệu Thúy - Giám đốc Công ty Tiên Phong Land, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và dịch vụ bất động sản Vũ Gia Phát và Công ty cổ phần BĐS Việt Á Châu.
9. CÁC ÔNG LỚN Ồ ẠT LUI VỀ TỈNH
Với thực trạng khan hiếm quỹ đất tại TP HCM và Hà Nội, hàng loạt các ông lớn đang dạt về BĐS tỉnh lân cận Sài Gòn. Điển hình như Novaland với 4 dự án hàng nghìn ha ở Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tập đoàn Hưng Thịnh, vài năm gần đây cũng dạt về Đồng Nai, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu để mở rộng thị phần khi các quỹ đất dự án. Nam Long dành 2.000 tỷ đồng mỗi năm để săn thêm đất ở Long An, Đồng Nai, Hải Phòng. Ở phía Bắc, Sungroup, Vinhomes đang tiến về Hòa Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng,...
10. NHỮNG CHÍNH SÁCH "CỨU RỖI" THỊ TRƯỜNG BĐS
Đầu tiên là nghị định số 25 được ban hành tháng 2/2020 quy định, giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đất. Đến tháng 4, chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 41 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền. Bước sang tháng 7, thông tư 21 của Bộ Xây dựng quy định diện tích tối thiểu căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25m2 bắt đầu có hiệu lực đã tạo động lực đẩy cho thị trường căn hộ.
Thời điểm cuối năm 2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 164 tháo gỡ pháp lý cho các dự án BĐS. Đặc biệt, khi nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ 08/02/2021 với nội dung quan trọng về việc giải cứu hàng nghìn dự án có đất xen kẹt được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét