Xin Lỗi - Cám Ơn: Chất keo vô hình gắn kết mọi người lại gần nhau; liều thuốc quý giá chữa căn bệnh “cái tôi” trong mỗi người, cầu nối đưa con người đến với thành công và hạnh phúc.
Sở hữu lời cám ơn – Sở hữu sự tinh tế
Một lần ghé nhà bạn ăn cơm, tôi bất ngờ với nếp sống nhà bạn. Trước khi bắt đầu ăn cơm, bạn tôi mời bố mẹ mình ăn cơm và “cám ơn mẹ đã nấu cho con ăn”. Tôi thấy thật buồn cười - mẹ con với nhau mà cần gì nói lời cám ơn, nhưng bất chợt tôi nhận thấy ánh mắt của người mẹ ánh lên niềm vui, cái vui đó không phải vì câu cám ơn suông mà như là nó đã thể hiện rằng anh vẫn còn biết đến sự quan tâm của mẹ dành cho anh. Giây phút đó thoáng qua và ý nghĩ ấy cũng thoáng qua trong đầu tôi, bữa ăn bắt đầu trong không khí vui vẻ của mọi người.
Dù đó chỉ là chi tiết nhỏ nhưng khi bạn tôi nói câu cám ơn đã cho thấy anh rất tinh tế. Sự tinh tế đem lại mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với nhau. Một đứa trẻ có sự tinh tế, đó là đứa trẻ biết nói cám ơn và xin lỗi.
Tôi nhận thấy mình luôn cần nói cám ơn dù đó chỉ là một hành động nhỏ như lấy một ly nước, nhặt hộ viên phấn, người nhận được lời cảm ơn cũng thấy tự hào về hành động của họ đã làm cho mình. Đây cũng chính là lời động viên để họ tiếp tục giúp đỡ người khác. Khi lời cảm ơn được nói ra, cả người nhận lẫn người nói đều cảm thấy giá trị của bản thân mình được đề cao, từ đó nó tác động tích cực đến hành vi của hai bên.
Dạy con nói cám ơn dù đó là chuyện nhỏ hay chuyện lớn
Cám ơn – giúp tư duy tích cực
Lúc nào bạn nói lời cảm ơn?
Đó là khi bạn được cho, được tặng một điều gì đó
Khi bạn nhận được một lợi ích, hay là khi bạn gặp may mắn, thành công?
Khi bạn cảm thấy vui, thấy phấn chấn hân hoan với những cảm xúc tích cực, dồi dào?
Lời cảm ơn nói xong, tự nhiên cũng cảm thấy mình vừa được đón nhận một điều tốt đẹp, và sẵn sàng cho đi. Việc nói lời cảm ơn sẽ kích thích neuron thần kinh hoạt động hiệu quả, hormone oxytocin sẽ tác động mạnh mẽ đến những cảm xúc tích cực của con người như thái độ tin tưởng, cảm thông và lòng khoan dung, giúp con người cảm thấy lạc quan.
Có thể thấy, việc dạy con nói lời cảm ơn không đơn giản là lễ nghĩa, mà đó là cách dạy con có lối tư duy tích cực, nhìn nhận sự việc theo hướng có lợi, để thấy mọi thứ đến với mình đều là cơ hội. Đó chính là hành trang tốt nhất mà cha mẹ chuẩn bị cho con bước vào đời.
Cảm xúc tích cực – tư duy tích cực
Đem “Cảm ơn” ra đời
Áp dụng sự kì diệu của từ “cảm ơn” trong công việc sẽ thấy được kết quả tuyệt vời của nó. Vào một quán ăn Nhật, những người phục vụ cúi chào bạn rất lễ phép từ khi bạn vào đến khi bạn ra khỏi quán, hành động ấy là "cảm ơn" bạn và chắc chắn bạn hài lòng, đúng không? Khi bước vào shop mua một món hàng, khi bạn đi ra người bán nói "Cảm ơn anh/chị đã mua hàng, lần sau mong được gặp lại chị". Dù món quà bạn có mua hơi đắt nhưng cảm giác của bạn sẽ là thoải mái và có thể đó là lý do cho lần sau bạn quay lại. Lời cám ơn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ thân thiện với khách hàng. Đối với một số doanh nghiệp lớn, chuyên nghiệp, lời cảm ơn thể hiện qua những bức thư cảm ơn đến khách hoặc tri ân khách hàng bằng giảm giá sản phẩm, tặng kèm sản phẩm cho khách thân thiết.
Vậy mới thấy lời cảm ơn xuất hiện thường xuyên, ở mọi lúc, mọi nơi. Nó đóng vai trò quan trọng, không chỉ rèn luyện đức tính quan tâm, biết ơn người khác mà còn quan trọng trong việc xây dựng, gìn giữ các mối quan hệ. Vậy nếu con chúng ta lớn lên và ra đời mà không biết nói lời cám ơn sẽ như thế nào? Đó sẽ là khiếm khuyết rất lớn cả trong nhân cách lẫn giao tiếp.
LỜI XIN LỖI
Sự kì diệu của lời xin lỗi |
Xin lỗi là hạ tự tôn của bản thân
Lúc tôi bắt đầu đi học, tôi được cô giáo đã dạy hai từ: “Xin lỗi”. Xin lỗi thì khó nói hơn Cám ơn rất nhiều, vì tôi là một đứa trẻ ngoan trong mắt mọi người và việc phải nhận sai và nói lời xin lỗi sẽ khiến tôi mắc cỡ, sẽ bị bẽ mặt, sẽ làm mất hình ảnh ngoan của mình… Hàng loạt những cái “sẽ” đó dẫn đến phản ứng của tôi khi mắc lỗi là: cãi lại để vớt vát lỗi lầm hoặc lặng thinh né tránh. Tôi không dám đối diện với lỗi lầm của mình và càng không muốn hạ thấp mình để xin lỗi.
Khó nói lời xin lỗi
Cho đến một hôm…
Ý nghĩ đó theo tôi mãi cho đến một hôm, tôi phạm phải một điều kiêng kị với người cô tôi ngưỡng mộ: đạo văn. Khi cô yêu cầu bạn phạm lỗi đứng lên nhận lỗi tôi đã không đủ can đảm đứng trước lớp và trước cô. Nhìn gương mặt quen thuộc của cô, tôi cúi gằm xuống cho đến cuối giờ. Và tôi tiếp tục cúi gằm như thế trong suốt 2 năm. Đó là quá trình đấu tranh 2 năm giữa cái đúng và cái sai, giữa việc im lặng hoặc sống trong cảm giác tội lỗi. Cho đến khi lời xin lỗi được nói ra, tôi thở phào nhẹ nhõm và cảm nhận rõ giá trị của lời xin lỗi. Tôi cảm giác mình gột bỏ được mặc cảm tự trách móc và có tội. Đặc biệt tôi nhận ra khi chúng ta có can đảm nhìn nhận là chúng ta sai và vượt qua cái “tôi” đó là lúc chúng ta đã phát triển được tính tự trọng, tính dám làm dám nhận. Xin lỗi để nhận sự tha thứ, để tâm hồn được thanh thản!
Xin lỗi không phải chỉ là để được tha thứ
Chỉ với hai từ “xin lỗi” những mâu thuẫn, xích mích, bực bội trong phút chốc cũng sẽ được xoa dịu. Hai bên có thể hòa giải và trở nên gần gũi thân thiết hơn, lời “xin lỗi” đồng nghĩa với việc bạn đã giác ngộ được ý thức của bản thân mình, biết tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình, dám dũng cảm nhận ra lỗi lầm của mình, biết quý trọng sự giúp đỡ của người khác. Những ai đã không biết cám ơn và xin lỗi vì những điều nhỏ nhặt nhất sẽ không thể làm được những điều vĩ đại nhất.
Sẽ là một mất mát rất lớn cho những ai không học được hai từ “Xin lỗi”. Những trận xung đột, cãi vã sẽ xảy ra liên tiếp vì không ai chịu nhận lỗi về mình, vợ chồng lục đục, con cái cãi cha mẹ, ra đường ẩu đả với người ngoài, công việc thì khó phát triển.
Dạy trẻ biết xin lỗi là chúng ta đang dạy trẻ biết cách hòa hợp cảm xúc của bản thân với mọi người xung quanh. Chỉ cho trẻ thấy khi trẻ làm lỗi giữa trẻ và nạn nhân của có một khoảng cách. Nhưng khi xin lỗi xong, trẻ cảm thấy thanh thản hơn và lại thân thiện với nạn nhân như xưa. Một đứa trẻ biết xin lỗi là một đứa bé có tinh thần trách nhiệm, có tấm lòng khiêm tốn và có sự thông cảm, chia sẻ với người khác. Và một đứa trẻ biết xin lỗi trở thành một con người chân chính, trung thực, đáng cho mọi người tin cậy và kính trọng.
Trần Phương – Thủy Nhiên Children House
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét